Lịch sử Vàng quỳ

Tượng bồ tát Kim Cương Tát Đóa thếp vàng tại Tây Tạng.

Các nền văn minh cổ trên thế giới đều có kỹ nghệ chế tạo vàng lá hay vàng quỳ cao. Tại miền nam Ai Cập, người ta tìm thấy một chiếc bình bằng đá thếp vàng có niên đại từ thời kỳ Naquada (4000-3000 TCN), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Louvre.[2] Năm 1928-1929 tại Ur ở miền nam Iraq người ta khai quật được một cặp di vật là tượng cừu trong bụi cây có niên đại tới 2600 TCN; với hình cây, phần đầu và chân con cừu đều được khảm vàng.[7] Tài liệu cổ xưa nhất về vàng lá hoặc tạo hình vàng lá bằng cơ khí được tìm thấy trong một ngôi mộ Ai Cập ở Saqqara, có niên đại 2500 TCN.[2] Các di vật thu được từ khai quật các lăng mộ pharaoh Ai Cập cổ đại cho thấy từ rất sớm thì người Ai Cập đã biết đến kỹ thuật gia công vàng lá. Vòng cổ của Hapiankhtifi tìm thấy trong các cuộc khai quật của Khashaba tại Meir ở Ai Cập giai đoạn 1910-1911 có niên đại 1981-1802 TCN, được thếp vàng bằng vàng lá,[8] hay những chiếc lọ rộng cổ với nắp có niên đại 1479-1425 TCN đều có trang trí là vàng lá.[9] Kỹ thuật đập vàng làm vàng quỳ dường như đã được hoàn thiện ở Ai Cập cổ đại, khi có tác giả[10] cho rằng một miếng vàng quỳ độ dày 0,2 µm đã được tìm thấy ở Luxor có niên đại tới thời Vương triều thứ 18 (1550-1300 TCN).[2] Ngay cả khi giá trị đó không được chứng thực một cách chắc chắn, thì một giá trị khác do Pliny Già đưa ra vào đầu thế kỷ 1,[11] với các dữ liệu do học giả này cung cấp về trọng lượng của một chồng 1000 quỳ vàng thì tính toán đơn giản cho thấy rằng những người thợ đập vàng thời kỳ đó có thể đạt đến độ dày 0,4 µm.[2]

Ở châu Âu cổ đại, việc khảm, bọc hay tán búa vàng lá hay vàng quỳ vào các đồ vật cũng được đề cập tới trong Odyssey (quyển 6, dòng 232-235) của Homer.[12] Trong thời Trung Cổ, các khu vực như Hamburg, Viên đều có nghề gia công vàng thành vàng quỳ.

Tại Trung Quốc, nghề sản xuất vàng quỳ là một nghề thủ công truyền thống, với các ghi chép lịch sử còn lưu lại là bắt đầu từ thời kỳ Đông Tấn, được hoàn thiện và duy trì tới nay. Tổ nghề được cho là Đạo gia kiêm nhà luyện đan Cát Hồng (葛洪, 283-363). Sách Đan Dương ký (丹阳记) của Sơn Khiêm Chi (山谦之, ?-454) thời Lưu Tống có ghi chép rằng chính quyền Lưu Tống khi đó đã cho thành lập cơ quan quản lý vàng lá, bạc lá và gấm. Thời Minh và Thanh đều thiết lập vân cẩm chức tạo phủ (cơ quan quản lý hàng gấm dệt may có thêu kim tuyến). Nam Kinh được coi là nơi khai sinh ra nghề làm vàng quỳ tại Trung Quốc và hiện nay Nam Kinh là trung tâm sản xuất vàng quỳ lớn nhất thế giới. Trình độ chế tạo vàng quỳ của Nhật Bản đạt tới mức tinh xảo với chất lượng sản phẩm rất cao. Khu vực chính sản xuất vàng quỳ ở Nhật Bản là Kanazawa (Kim Trạch) thuộc tỉnh Ishikawa. Công nghệ sản xuất vàng quỳ tại đây phát triển từ công nghệ mà hòa thượng Giám Chân (鉴真, 688-763) thời Đường đem từ Trung Quốc sang.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vàng quỳ http://www.collineduparlement-parliamenthill.gc.ca... http://www.parl.gc.ca/information/about/warpaintin... http://www.parl.gc.ca/information/about/warpaintin... http://www.jianbiaoku.com/webarbs/book/69802/13713... http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perse... http://www.city.kanazawa.ishikawa.jp/dentou_e/way/... //dx.doi.org/10.1590%2FS1517-70762011000100002 http://www.kieuky.org/gioi-thieu.html http://www.kieuky.org/quy-tr%C3%ACnh-gia-c%C3%B4ng... http://www.british-history.ac.uk/survey-london/vol...